17/11/2024 -

TƯ LIỆU

11
Sự tử đạo trên khắp thế giới ngày nay trông như thế nào?


Một hội nghị do Bộ Phong Thánh tổ chức tại Rome đã xem xét việc hiến dâng mạng sống của một người cho Chúa Kitô trông như thế nào trên khắp thế giới ngày nay.
 

“Các vị tử đạo trong Giáo Hội là những chứng nhân của hy vọng đến từ đức tin vào Chúa Kitô và thúc đẩy lòng bác ái chân chính. Niềm hy vọng giữ vững lòng tin sâu sắc rằng sự thiện mạnh hơn sự dữ, bởi vì Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.” Đây là những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong một lá thư vào tháng 7 năm 2023, thành lập “Ủy ban các vị tử đạo mới - chứng nhân của đức tin” theo ánh sáng của Năm Thánh 2025. Được mô phỏng theo một cơ quan tương tự do Đức Gioan Phaolô II thành lập cho Năm Thánh 2000, ủy ban thuộc Bộ Phong thánh này đã tập hợp những câu chuyện về các vị tử đạo Kitô giáo trong thế kỷ XXI trên khắp thế giới.
 

Với trọng tâm này, Bộ Phong thánh đã tổ chức hội nghị mang tính học thuật thường niên của mình về chủ đề “Không có tình yêu nào lớn hơn. Tử đạo và việc hiến dâng mạng sống” tại Rome từ ngày 11 đến 14 tháng 11 năm 2024.
 

Hội nghị quy tụ các học giả, linh mục, nữ tu và nhiều người khác, là cơ hội để đi sâu vào những động lực thúc đẩy lòng căm thù đối với đức tin Công giáo trên toàn thế giới và ý nghĩa thực sự của việc hiến dâng mạng sống của một người cho Chúa Kitô và cho Giáo Hội.
 

Vào ngày 14 tháng 11, ba học giả và một nhà báo đã xem xét những gì tạo nên lòng căm thù đối với đức tin, và do đó dẫn đến các vị tử đạo, trong bốn bối cảnh địa lý và xã hội khác nhau: Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và Châu Phi. Mặc dù các diễn giả đã nêu bật nhiều khía cạnh khác nhau dẫn đến cuộc đàn áp người Kitô hữu ở những khu vực khác nhau này, nhưng một chủ đề cũng được tái hiện là có bao nhiêu người Công giáo chịu tử đạo do họ không muốn tùng phục trước những tình huống bạo lực hoặc các chế độ bất công vi phạm phẩm giá con người cũng như lý tưởng bác ái và yêu thương của người Kitô hữu.
 

Nổi loạn chống lại các phong trào ý thức hệ
 

Điển hình, Cha Jan Mirkut, thuộc Đại học Giáo hoàng Gregorian, đã nói về nhiều hệ thống toàn trị và ý thức hệ đã đưa những người tử đạo đến Châu Âu.
 

“Đối với Giáo Hội ở Châu Âu, thế kỷ XX là một giai đoạn đau thương nhưng cũng đầy vinh quang,” ngài nói. “Cuộc đàn áp những người Kitô hữu [...] một mặt đã tạo nên một số lượng lớn những người tử vì đạo. Mặt khác, những người tử vì đạo cũng chứng minh sức sống to lớn từ đức tin của mình.”
 

Ví dụ, ngài đã đề cập đến những người Kitô hữu phản đối chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa Cộng sản ở Nga, Ý, Đức, Tây Ban Nha hoặc Albania. Ngài đã nêu bật những gương mẫu nổi tiếng, chẳng hạn như Thánh Maximilianô Kolbe (1894-1941), nhưng cũng nêu bật những nhân vật từ các giáo hội Kitô giáo khác như Thượng phụ Chính thống giáo Nga Tikhon của Moscow (1856-1925), người không bị giết vì đức tin của mình, nhưng đã bị đàn áp nặng nề vì phản đối nhà nước Xô Viết mới.
 

Trên thực tế, ủy ban Năm Thánh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nghiên cứu về các vị tử đạo và chứng nhân đức tin từ các tôn giáo Kitô giáo không phải Công giáo khác.
 

Không khuất phục trước bạo lực và chia rẽ
 

Tương tự như vậy, Cha Aimable Musoni, SDB, thuộc Đại học Giáo hoàng Salêdiêng, đã xác định các vấn đề chính trị xã hội là một trong những chủ đề ở Châu Phi đã tạo ra sự thù ghét đối với đức tin Công giáo và do đó khiến nhiều tín hữu phải chết vì lý tưởng và đức tin của mình.
 

Ngài đã nêu bật cặp vợ chồng người Rwanda cùng với những vị Tôi tớ Chúa khác, Cyprien (1935-1994) và Daphrose Rugamba (1944-1994), những người phản đối sự chia rẽ sắc tộc và đã bị giết chết vào năm 1994 trong cuộc diệt chủng ở Rwanda. Hoặc cũng có thể là Tổng giám mục Dòng Tên Christophe Munzihirwa Mwene Ngabo (1926-1996) của Bukavu, Cộng hòa Dân chủ Congo, người đã phản đối mạnh mẽ bạo lực trong Chiến tranh Congo lần thứ nhất và được nhiều người đặt biệt danh là “Oscar Romero của Congo.”
 

“Những vị Tôi tớ Chúa này, những người với sự nghiệp vẫn đang tiếp diễn, đã được ghi nhận vì lòng dũng cảm bảo vệ nhân quyền và theo đuổi công lý, hòa giải, hòa bình ở đất nước của họ,” Cha Musoni nhấn mạnh.
 

Một công cuộc bảo vệ nhân quyền không mệt mỏi
 

Giáo sư Gianni La Bella, thuộc Đại học Modena và Reggio Emilia cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ mạnh mẽ nhân quyền và phẩm giá dẫn đến sự tử đạo của nhiều người Công giáo Mỹ Latinh, tập trung bài phát biểu của mình vào giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng Giáo Hội ở Mỹ Latinh thường là nơi ẩn náu duy nhất cho những người dân phải đối mặt với hệ thống nhà nước đang suy yếu, đói nghèo và bạo lực băng đảng.
 

Giáo sư La Bella đã đề cập đến vụ sát hại gần đây đối với Cha Marcelo Pérez người Mexico (1973-2024), vào ngày 20 tháng 10 năm 2024, người được biết đến với “sự cống hiến không mệt mỏi cho sứ vụ hòa bình và công lý” chống lại tội phạm có tổ chức. Hoặc vụ sát hại Tổng giám mục Isaías Duarte Cancino của Cali, Colombia, (1939-2002), người đã chỉ trích mạnh mẽ các băng đảng ma túy địa phương, các nhóm du kích và chính quyền tham nhũng.
 

Giáo sư La Bella cũng đề cập đến một nhóm người Công giáo thú vị mà ông tin rằng nên được xem xét, đó là những người “tự do và có ý thức từ bỏ mạng sống của mình” bằng cách phục vụ bác ái những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh cách các vấn đề về cấu trúc như bất bình đẳng kinh tế xã hội, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẵn có, việc làm công không chính thức và các vấn đề khác như thế đã khiến Mỹ Latinh bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch. Ông giải thích rằng Giáo Hội đang ở tuyến đầu, với trưng dẫn về một số linh mục và nữ tu đã qua đời vì COVID-19, sau khi từ chối ngừng chăm sóc những người yếu thế hoặc người già bị ảnh hưởng bởi loại virus này.
 

Một nhân chứng thầm lặng và mạnh mẽ
 

Nhà báo Paolo Affatato, người đứng đầu bộ phận Châu Á của hãng tin Fides, cơ quan truyền thông của Các hội Giáo hoàng Truyền giáo, đã giải thích về cách mà các vị tử đạo ở lục địa này trong 25 năm qua thường bị giết hại trong khi chỉ đơn giản là sống đức tin của mình. Điều này xuất phát từ việc Công giáo là một tôn giáo mà ở nhiều nơi tại Châu Á đã và vẫn có thể bị coi là “ngoại lai” và “xa lạ” và do đó bị “từ chối ngay từ đầu”, ông giải thích. Ngay cả việc chỉ loan báo Tin Mừng ở một số khu vực nhất định cũng có thể bị coi là “chiêu dụ” và gây ra “thù địch, bạo lực, đàn áp hoặc thậm chí bị cấm chỉ.”
 

Affatato cho biết chứng tá mạnh mẽ của người Công giáo Châu Á nằm ở khả năng “gieo trồng Tin Mừng trong sự hòa hợp trọn vẹn, không xung đột, càng không coi thường các nền văn hóa địa phương.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ngay cả ở những nơi mà các Kitô hữu gặp nhiều khó khăn nhất, ông cũng nhận thấy họ sống đức tin của mình với “sự chân thực, sâu sắc và nền tảng.”
 

Ví dụ, Affatato ca ngợi sức mạnh của đức tin ở Pakistan và nêu bật câu chuyện vềvị Tôi tớ Chúa Akash Bashir (1994-2015), người về sau có thể trở thành vị thánh đầu tiên của đất nước này. Cậu là một thanh niên 20 tuổi đã tử nạn khi ngăn chặn một kẻ đánh bom liều chết để không cho vào nhà thờ của mình ở Lahore vào tháng 3 năm 2015.
 

Nhà báo cũng đề cập đến mẫu gương về “cái gọi là ‘Giáo Hội thầm lặng’” ở Bắc Triều Tiên, về mặt hình thức là một quốc gia vô thần. Đó là “một cộng đồng gồm những Kitô hữu ẩn khuất [...] những người không để ánh sáng của Chúa Thánh Thần bị dập tắt, và tuân giữ những điều căn bản của đức tin trong trái tim mình, mặc dù họ không có quyền tự do tuyên xưng rằng mình là môn đệ của Chúa Giêsu.”


Tác giả: Isabella H. de Carvalho - Nguồn: Aleteia (15/11/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250