16/01/2025 -

TƯ LIỆU

7
Từ ngữ chỉ về hy vọng trong Kinh Thánh

Trong các ngôn ngữ Kinh Thánh của tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, các từ ngữ chỉ về hy vọng - qavah, yachal và elpis - mang đến những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của nó.
 

Hy vọng là nền tảng của đức tin Kitô giáo, được đan xen trong Kinh Thánh như một lời hứa và một cung cách sống. Trong các ngôn ngữ Kinh Thánh của tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, các từ ngữ chỉ về hy vọng - qavahyachal và elpis - mang đến những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của nó. Từ Kinh Thánh tiếng Do Thái đến Tân Ước, hy vọng được thể hiện như một sự tin tưởng tích cực, năng động vào những lời hứa của Thiên Chúa.
 

Qavah: Chờ đợi trong căng thẳng (קָוָה)
 

Trong tiếng Do Thái, từ qavah truyền tải hy vọng như một hình thức chờ đợi. Bắt nguồn từ hình ảnh một sợi dây đang được kéo căngqavah ngụ ý cảm giác căng thẳng và mong đợi. Đó không phải là sự chờ đợi thụ động, nhàn rỗi mà là sự mong đợi tích cực bắt nguồn từ sự tin tưởng. Sự căng thẳng này thừa nhận thực tế của cuộc đấu tranh trong khi vẫn nắm chặt lấy sự chắc chắn về lòng thành tín của Thiên Chúa.
 

Isaia 40:31 đã diễn tả điều này một cách tuyệt đẹp: “Nhưng những ai trông đợi (qavah) Chúa thì sẽ đổi mới sức lực; họ sẽ bay cao như đại bàng; họ sẽ chạy nhảy mà không mệt mỏi; họ sẽ bước đi mà không hao mòn.”
 

Ở đây, qavah nhấn mạnh đến sức mạnh biến đổi từ việc chờ đợi Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng tiếp thêm sinh lực, ngay cả khi đang mệt mỏi và vất vả.

Từ này cũng xuất hiện trong Thánh vịnh 130:5-6: “Tôi trông đợi (qavah) Chúa, linh hồn tôi trông chờ, và tôi trông cậy nơi lời Người.”
 

Đoạn Kinh Thánh này bằng cách nào đó ghép qavah với lời của Chúa, nhấn mạnh đến sự đáng tin cậy của những lời hứa thiêng liêng. Niềm hy vọng theo nghĩa này là bám chặt vào sự trung tín của Thiên Chúa, ngay cả khi tình cảnh có vẻ ảm đạm.
 

Yachal: Sự kiên nhẫn chịu đựng (יָחַל)
 

Có liên quan chặt chẽ với qavah, từ tiếng Do Thái yachal mang ý tưởng về niềm hy vọng bền bỉ. Trong khi qavah ám chỉ sự căng thẳng khi chờ đợi, yachal nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn cần có để duy trì niềm hy vọng đó. Thuật ngữ này thường xuất hiện trong bối cảnh mà lời hứa của Thiên Chúa vẫn chưa được thực hiện, mời gọi các tín hữu kiên trì trong đức tin.
 

Trong Ai ca 3:21-24, ngôn sứ Giêrêmia viết: “Nhưng con nhớ lại điều này, và vì thế con có hy vọng (yachal): Tình thương của Chúa không bao giờ chấm dứt; lòng thương xót của Ngài chẳng khi nào vơi; chúng mới mẻ mỗi buổi sáng; lòng thành tín của Ngài thật lớn lao.”
 

Giữa đống hoang tàn của Giêrusalem, niềm hy vọng của Giêrêmia không phụ thuộc vào hoàn cảnh của ông mà phụ thuộc vào bản chất bền bỉ từ tình yêu của Thiên Chúa.
 

Sự kiên nhẫn của yachal ngụ ý một niềm tin sâu sắc rằng thời điểm của Thiên Chúa là hoàn hảo. Nó thừa nhận nỗi đau của sự chờ đợi trong khi vẫn kiên định tin rằng lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực thi.
 

Elpis: Sự mong đợi với lòng tin tưởng (ἐλπίς)
 

Trong Tân Ước tiếng Hy Lạp, elpis là từ chính để chỉ về hy vọng. Không giống như cách sử dụng từ tiếng Anh hiện đại (hope), thường ám chỉ sự không chắc chắn (“Tôi hy vọng điều đó xảy ra”), elpis truyền đạt sự mong đợi với lòng tin tưởng. Nó có nghĩa là sự đảm bảo, không phải sự nghi ngờ, vì nó dựa trên bản chất không thay đổi của Thiên Chúa.
 

Trong Thư Rôma 5:35, Thánh Phaolô viết: “Không những thế, chúng ta còn vui mừng trong những đau khổ của mình, vì biết rằng đau khổ sinh ra sự kiên nhẫn, sự kiên nhẫn sinh ra nghị lực, và nghị lực sinh ra hy vọng (elpis), và hy vọng không làm chúng ta hổ thẹn, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần.”
 

Đối với Thánh Phaolô, hy vọng gắn liền sâu sắc với công việc biến đổi của Chúa Thánh Thần. Đó không phải là một cảm xúc thoáng qua, mà là một khuynh hướng ổn định về đặc tính (ethos) của một người, bất kể điều gì xảy ra.
 

Sự mong đợi với lòng tin tưởng của elpis được nhấn mạnh thêm trong Thư Do Thái 6:19: “Chúng ta có được niềm hy vọng (elpis) này như một cái neo cho linh hồn, vững chắc và an toàn.
 

Ẩn dụ này nắm bắt được bản chất không thể lay chuyển của niềm hy vọng Kitô giáo, giúp các tín hữu vững vàng trong những cơn giông bão của cuộc đời.
 

Bối cảnh văn hóa của hy vọng
 

Các khái niệm tiếng Do Thái về qavah và yachal xuất hiện từ một nền văn hóa nhận thức sâu sắc về sự bất định của cuộc sống. Đối với người dân Israel, hy vọng bắt nguồn từ mối quan hệ giao ước của họ với Thiên Chúa. Từ cuộc Xuất hành đến cuộc lưu đày ở Babylon, hy vọng của họ dựa trên lời hứa giải cứu và phục hồi của Thiên Chúa.
 

Ngược lại, thuật ngữ tiếng Hy Lạp elpis ám chỉ bối cảnh trí tuệ và triết học của thế giới Hy Lạp. Trong khi văn hóa Hy Lạp thường coi hy vọng là không chắc chắn, thì Tân Ước đã định nghĩa lại nó là sự tin tưởng chắc chắn vào kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Sự chuyển đổi này của elpis làm nổi bật bản chất cấp tiến của niềm hy vọng Kitô giáo.
 

Các chiều kích thần học của hy vọng
 

Quan niệm về hy vọng trong Kinh Thánh mang một mối tương quan sâu sắc. Nó không chỉ là mong muốn đơn thuần về một tương lai tốt đẹp hơn. Mà đúng hơn là sự tin tưởng tích cực vào lời hứa của Thiên Chúa, dựa trên bản chất và công trình của Người. Khía cạnh tất yếu này được thể hiện rõ ràng trong toàn bộ Kinh Thánh, nơi hy vọng (đức cậy) không thể tách rời khỏi đức tin và đức mến.
 

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng “hy vọng là nhân đức đối thần mà nhờ đó chúng ta ước muốn vương quốc thiên đàng và sự sống vĩnh cửu là hạnh phúc của mình, đặt niềm tin vào lời hứa của Chúa Kitô và không cậy dựa vào sức mạnh của riêng mình, mà vào sự trợ giúp từ ân sủng Chúa Thánh Thần.” (GLCG 1817)
 

Định nghĩa này nhấn mạnh rằng hy vọng không tự sinh ra mà là một món quà từ Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi ân sủng và được duy trì thông qua lời cầu nguyện và các bí tích.
 

Trong Thư Rôma 8:24-25, Thánh Phaolô còn viết, “Vì trong niềm hy vọng (elpis) này, chúng ta đã được cứu thoát. Nhưng hy vọng mà thấy được thì không phải là hy vọng. Vì ai trông mong điều mình thấy? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình không thấy, thì chúng ta mới kiên nhẫn chờ đợi.
 

Ở đây, Thánh Phaolô nắm bắt được sự căng thẳng của niềm hy vọng Kitô giáo, hướng đến sự ứng nghiệm những lời hứa của Thiên Chúa trong khi tin cậy vào lòng thành tín của Người trong hiện tại.
 

Thông điệp hy vọng trong Kinh Thánh mời gọi chúng ta neo giữ cuộc sống của mình trong lòng thành tín của Thiên Chúa, để những lời hứa của Người nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách. Chính niềm hy vọng này - chắc chắn, kiên nhẫn và đầy mong đợi - sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta và kêu mời chúng ta làm chứng cho thế giới về lòng nhân từ không lay chuyển của Thiên Chúa.
 

Bài viết này dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ Từ điển từ nguyên của tiếng Hebrew trong Kinh Thánh: Dựa trên các bình luận của Samson Raphael Hirsch và Từ điển từ nguyên của tiếng Hy Lạp (2010) của Robert Beekes. Các bình luận trên lấy thông tin từ các nguồn này nhưng không đầy đủ hoặc mang tính quyết định. Độc giả được khuyến khích tham khảo các văn bản gốc để nghiên cứu sâu hơn và hiểu rõ hơn.


Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (14/01/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250