18/10/2024 -

TƯ LIỆU

10
Với thánh sử Luca, khám phá ra điều đang thực sự “chữa lành” con người


Ngày nay, các bạn trẻ theo "trend" hay nói đến “chữa lành”, đi uống cà phê với bạn bè cũng gọi là đi “chữa lành”, du lịch Đà Lạt, Vũng Tàu… các bạn cũng gọi là đi “chữa lành”. Chẳng biết những điều đó có thể “chữa lành” được đến đâu. Nhưng nhìn vào thực trạng mạng xã hội “ồn ào” ngày nay, ai trong chúng ta cũng cảm thấy nó đang gây ra những vết thương, những đổ vỡ trong tâm hồn con người, những tin giả, những tin làm cho người ta hoang mang, chia rẽ, những điều làm con người mất niềm tin ở nhau.
 

Mừng lễ Thánh sử Luca, một lương y, nhưng cũng là văn sĩ. Có thể nói, với nghề thầy thuốc, một lương y, thánh nhân viết lên những câu chuyện Tin Mừng thật đẹp, những câu chuyện sinh động lôi cuốn người đọc và  khi đọc Tin Mừng của thánh Luca, chúng ta như được  “chữa lành”
 

Trước tiên chúng ta  cùng tìm hiểu, Thánh Luca là ai? Ngài sinh ra trong một gia đình giàu có, nề nếp tại Antiokia, là một người trí thức. Thánh nhân được rửa tội để thành người Kitô hữu và sau đó là học trò đi theo Thánh Phaolô  trong công việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân đã viết 2 tác phẩm của Tân Ước, Tin Mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ.
 

Những người đọc tác phẩm của thánh Luca cảm thấy thực sự “ấm áp” và gần gũi. Có những câu chuyện mà chỉ có Tin Mừng theo Thánh Luca mới kể mà thôi.
 

Nói đến Tin Mừng thánh Luca, chúng ta không thể không nhắc đến chương 15, nói về lòng thương xót của Thiên Chúa với ba dụ ngôn. Dụ ngôn con chiên bị mất, dụ ngôn đồng bạc bị đánh rơi và dụ ngôn người cha nhân hậu.  Riêng hình ảnh người cha chờ đợi đứa con hoang đàng trở về  làm cảm động lòng người (Lc 15, 11-32. Vì thế, khi đọc những trang Tin Mừng của thánh Luca chúng ta như đang được “chữa lành”
 

Thực ra, chỉ có tình yêu mới làm cho người ta được chữa lành. Không những người con thứ bỏ cha đi hoang, nhưng ngay cả người con mà chúng ta goi là “anh hai” cũng chẳng có chút tâm tình gì với cha mình, dù anh ta đang sống trong cùng một nhà với cha.
 

Chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa là như thế đó. Ngài yêu thương chăm sóc chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân,  ngay cả khi chúng ta còn chưa biết đến Ngài hay còn vô ơn phản bội lại Ngài. Thiên Chúa chính là người cha ấy đang ngày ngày mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về.

Thật vậy, Thánh sử Luca là thầy thuốc hiểu được những bệnh tật, đau đớn, những tổn thương của con người. Qua từng trang Tin Mừng, thánh Luca dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, vị Thầy Thuốc tài giỏi hơn tất cả các thầy thuốc ở trần gian này, ta đến với Chúa để nghiệm thấy Chúa yêu thương mình. Vì chính Chúa Giêsu đã nói “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”(Lc 5, 31-32)
 

Từng ngày sống chúng ta phải cảm nghiệm được Thiên Chúa đang “chữa lành”, bằng tình yêu thương tha thứ, để chúng ta cũng sống cho tình yêu và cũng có khả năng “chữa lành” cho người khác nữa.
 

Câu chuyện hoán cải của ông Giakêu nơi Tin Mừng Luca (Lc 19,1-10). Ông là trưởng phòng thu thuế đã trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa Giêsu, và ông được thu phục, thay đổi cuộc sống. Ông đã được Thầy Giêsu chữa lành khi ông nói trong bàn tiệc “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8).Còn với Chúa Giêsu thì tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19, 9-10).  Và trải dài suốt Tin Mừng Luca còn rất nhiều những câu chuyện  hoán cải đời sống như vậy nữa.
 

Như thế, với mạng xã hội ngày nay, chúng ta học theo Thánh Luca, bổn mạng của những nhà truyền thông, hãy viết lên những trang Tin Mừng cuộc đời mình, để có thể “chữa lành”cho biết bao con người. Vì ngày nay người ta tranh giành nhau để tôn vinh mình, luôn “căng thẳng”, làm tổn thương lẫu nhau, cho nên người Kitô hữu chúng ta lan truyền đi những tin vui, tin mừng, những câu chuyện đẹp về tình người, những câu chuyện về sống đức tin trong gia đình, khu xóm, nơi cộng đoàn giáo xứ và xã hội hiện nay.
 

Xin Thánh sử Luca cầu thay nguyện giúp, để chúng ta “chữa lành” mọi người bằng tình yêu thương, và chỉ có Chúa mới là Đấng chữa lành thật sự và là  phương thuốc duy nhất, qua tình yêu thương và lòng thương xót, Ngài mang đến cho con người hôm nay.


 Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
Nguồn: 
https://tgpsaigon.net/

114.864864865135.135135135250