07/07/2020 -

Tx Mỹ Thạch

987
Câu chuyện Người với Bò
 
 
Câu chuyện về cuộc đời của ông Đinh Jơn, người dân tộc Bahnar, bị nhiễm vi khuẩn Hansen từ năm “ không biết”. Căn bệnh đã để biến chứng “ăn mòn” từ từ các phần chi thể. Ông, một kiếp người dường như không phải NGƯỜI VỚI NGƯỜI nhưng là NGƯỜI VỚI CON VẬT. Ông sống với một con bò già và khi chết thân xác cũng bị đem đi kiểu như 1 con bò. 

Ông Đinh Jơn sinh năm "không biết". Vì lúc còn nhỏ, ông đã bị tách riêng ra ở dưới một mái lều giữa rừng sâu, mãi sau này mới có thêm các ngôi nhà sàn khác mọc lên gần đó

Lần đầu tôi được gặp ông vào tháng 7 năm 2012. Lúc đó ông khoảng 65 tuổi. Ông không vợ, không con, không ngón tay, không ngón chân và "có mắt mà chẳng nhìn". Vì vậy trước khi bố mẹ qua đời đã chia hết ruộng đất cho anh em, phần gia tài của ông Jơn là 1 con bò con, với lời giải thích của người em trai như sau:

Ô bà sơ, anh mình nó không có chân tay thì không làm gì được. Nó không vợ con thì khi nó chết rồi không cần đất để lại tiền của cho con cháu. Mắt nó mù thì không biết đường đi làm. Cho nó con bò là đúng rồi vì bò biết tự đi ăn và chiều về theo đàn. Nó bệnh cùi ghê lắm phải ở cách xa người ta nên nó phải ở cuối làng, khi nó chết cũng phải chết ở đó, nếu không có con bò để mổ đãi dân làng ăn nhậu thì không ai dám đến thăm nó đâu".

Suốt quãng đời dài, ông Jơn sống vui vẻ lạc quan nhờ lương thực của quý ân nhân giúp đỡ, người em trai nấu và đem đến cho ông ăn. Thuốc uống và các thức ăn vặt khác như bánh-kẹo-sữa... thì phải nhờ anh hàng xóm tin cậy giữ dùm và cho ông ăn từ từ, chứ nhà người em trai có nhiều con cháu nhỏ nên hay ăn mất phần của ông. 
Khi ông bệnh cảm sốt, đau bụng, lở loét thì các chị em tu xá Mỹ Linh và cộng tác viên y tế lo thuốc, rửa vết thương... nếu bệnh nặng thì phải nhập viện và mướn thêm 1 người đi chăm vì ông bị mù. 

Trời cho ông đôi tai nghe rất thính và thay cho đôi mắt. Nằm trong chòi mà nghe từ xa xa có tiếng người nói là bò ra cửa nhà sàn, miệng hỏi: “Mẹ vào thăm Jơn hả? Cháu Khun ơi, ông bị đau lưng, cho ông thuốc. Bem có cho ông đồ ăn không”?

Ông thường gọi tôi bằng mẹ. Tôi hỏi vì sao ông không gọi tôi là Soeur? Ông nói: “Làm sơ  thì có nhiều  bà sơ, mà Sơ lo cho người cùi như con thì ít, nên phải gọi bằng mẹ vì mẹ giống mẹ

Cứ vài ngày lại: "Mẹ ơi, con không có quần, mẹ ơi con bị đau bụng, mẹ ơi con nhức răng, mẹ ơi con không có xà bông để tắm, mẹ ơi cho Ama Cơn- Khang và Bớp vào đây hớt tóc cho ông Jơn...”

Làm mẹ kiểu này mệt quá đi thôi! nhưng mà  rất vui.  Vui vì thấy mình được làm những công việc cho những người anh em thật sự cần đến mình, vui vì cuộc sống đã cho mình nhiều bài học quý giá mà nếu ở môi trường khác thì mình sẽ không cảm nhận được thế này. Niềm vui vỡ oà khi ông nói:” “Mẹ ơi, con muốn theo đạo, mẹ có đồng ý cho con theo đạo của mẹ không”?

Riết rồi cũng quen, lâu ngày mà không nghe dân trong làng gọi ra “mẹ ơi” thì bỗng dưng lòng mình lại thấy lo lo vì không biết đứa con “hơn mẹ 30 tuổi” ấy còn sống hay đã chết. Tôi lại phải ghé qua hoặc nhờ các cộng tác vào kiểm tra.

Một ngày nọ, cuộc điện thoại vọng tiếng anh hàng xóm của ông: “Mẹ ơi, vào đây thăm ông Jơn đi, ông bỏ ăn 3 ngày rồi, ông muốn chết theo con bò của ông, mẹ vào giải quyết ngay đi. Người ta bắt mất con bò của ông rồi. Bây giờ ông cứ đòi đưa ông đến kế bên con bò để ông chết chung. Vì bò bị bắt cột gốc cây mà không đi ăn cỏ thì sẽ chết. Bò chết trước mà người chết sau không có gì đãi dân làng ăn.”

Chúng tôi chạy xe honđa hơn 30 km xuống 1 cái đèo dốc nguy hiểm mới đến nhà ông. Nghe tiếng vọng từ xa, ông vừa bò ra cửa vừa khóc, miệng mếu máo: “Mẹ ơi, người Kinh họ bắt mất con bò của con rồi, con không có tiền bồi thường để bắt bò về, con bò đã ăn bắp nhà người ta. Bây giờ họ giữ bò, nếu không trả tiền bồi thường vườn bắp thì họ mổ bò chia đôi.” 

Em trai ông đưa tôi đến nơi con bò bị cột tại gốc cây, đó là  nhà của gia đinh dân tộc Kinh (sống giữa dân bản địa Bahnar, Jrai).

Bà kể: “Xui cho ông này, con không biết đây là con bò của ông. Trong một đàn bò chung của dân làng có khoảng 20 con, không người đi chăn, nó phá rào ùa vào ăn đã hết 2 xào bắp của con. Mấy con bò kia khoẻ ăn nhanh bỏ đi trước. Con bò này già yếu ăn chậm đi chậm nên bị giữ lại.” Bà xin tôi bồi thường  2 triệu đồng để bà thuê người đi dọn vườn bắp. Tôi đồng ý và cám ơn bà rồi con bò được về làng.

Sau đó, dân làng họp lại và giao con bò này cho mẹ nuôi, khi nào ông Jơn chết thì mẹ phải trả bò. Tôi thuê xe công nông hết 500.000 đồng để  chở con bò ra ngoài, có ý bán đi rồi khi cần mình sẽ mua con khác. Khi xe chở ra đến lò mổ bò thì chị chủ lò nói: Sr ơi, con bò có bầu, mổ tiếc lắm. Nuôi cho đẻ con, bò mẹ mập lên rồi bán”.

Nghe lời chị, tôi lại gửi ké đàn bò nhà kia, mỗi tháng bồi dưỡng 10 kg gạo và nhu yếu phẩm khác. Kéo dài nửa năm. Bò mẹ bệnh cũng phải tốn tiền chích thuốc, bò con bệnh cũng tiền, bò mẹ thiếu sữa cũng tiền... lỡ phi lao thì phải vui vẻ theo lao thôi!   Cuối cùng thì mất cả chì lẫn chài. Bò con thiếu sữa mẹ nên chết. Bò mẹ ăn cỏ không nổi cũng chết.  Mổ con bò ra, cho ông Jơn ăn một ngày thịt bò thay vì ăn cơm. Dân làng thì nhậu cái đầu và tứ chi. Thịt còn lại bán được 1 triệu đồng. Ngày  ông qua đời, tôi lại tốn thêm 6 triệu đồng để mua con bò khác như dân làng đã mặc định. Tổng cộng tôi chi hết 11 triệu đồng. 

Có lần ông nói: “Mẹ ơi, con ở xa khổ quá,  mẹ làm nhà nhanh lên cho con ra ở với mẹ”. Khi ngôi nhà Calcutta đặc biệt dành riêng cho việc chăm nuôi người phong cùi hoàn thành, ông cùng với những người phong khác đã được mời ra dự lễ tạ ơn và tiệc mừng. Vì nạn đại dịch Covid-19 không cho phép tập trung đông người nên phải hẹn ông qua dịch mới được ở lại.

Hẹn chưa đến nhưng sau một giấc ngủ đêm của tháng 3 năm 2020, ông đã ngủ thêm giấc ngủ thiên thu sau 73 năm hành trình dương thế. Chiều hôm trước trong làng có tiệc, có cho ông ít đồ ăn, sáng hôm sau không thấy ông bò ra trước nhà sàn để phơi nắng cho đỡ lạnh như thường lệ, mấy cháu bé nhìn qua khe cửa thấy ông đã nằm bất động! 

Ngay lập tức, dân làng gọi liên tục: “Mẹ ơi, ông Jơn chết, mẹ nhanh trả con bò và phải nhìn thấy con bò thì dân làng mới cho ông xuống lỗ, không được để chờ lâu vì sẽ lây bệnh cho người ta”. Ngay lập tức, con bò được tôi mua tại làng kế bên đã có mặt.
 
Theo phong tục của dân tộc họ: thân xác ông được nằm trên 1 cái võng vải đặt giữa nhà, 2 đầu võng cột sẵn vào 2  khúc cây.  Nếu nhà ông ở cách xa dân làng thì cứ vùi xác ông dưới gầm nhà sàn và cái nhà ấy bỏ hoang luôn, nếu nhà ở gần làng thì chỉ có 1 người trong gia đình ruột thịt kéo xác ông vào rừng chôn. Từ  phía xa, người ta đã đào một cái lỗ và để sẵn cái hòm dưới đó rồi.  Lúc 12 giờ trưa, xác ông được em trai và cháu gánh 2 đầu thả xuống lỗ. Lấp đầy đất, bỏ chạy về  làng và cùng với anh em nhậu linh đình một bữa. Nếu đồ ăn còn dư thì cũng bỏ lại gần nhà ông, không ai được đem về nhà riêng. Hôm nay cũng chính là ngày bỏ mả, không còn ngày nhớ giỗ gì nữa và quên ông luôn. 

Người chết, bò cũng chết, kết thúc ư? Chưa, ông đã khuất nhưng vẫn mãi còn trong tâm trí người ở lại nhiều động lực và niềm vui phục vụ. Dù đau khổ thể xác nhưng luôn vui tươi, tâm hồn bình an, bài học về sự đơn sơ, đón nhận số phận Chúa đã an bài.


 
M. Ngọc Hà
Tu xá Mỹ Linh

 
114.864864865135.135135135250