Tu xá Thánh Đa Minh Suối Thông
Người ta nói: “Tu là cõi phúc”, và tôi đang được ở trong cõi phúc ấy. Phúc vì tôi chẳng có công trạng gì nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi “chọn phần tốt nhất”. Phúc vì tôi được mời gọi cảm nghiệm và sống thực tại Nước Trời ngay khi tôi còn đầy giới hạn và tội lỗi. Đây chính là cõi phúc mà tôi đã được lãnh nhận nhưng không từ bàn tay quan phòng của Chúa. Càng cảm nghiệm quyền năng và sự thánh thiện của Thiên Chúa bao nhiêu thì tôi lại càng thấy mình bất xứng bấy nhiêu. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa như hai đường thẳng song song, chẳng có thể gặp nhau được. Nhưng cái không thể lại trở thành có thể để rồi chính lòng thương xót của Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi khoảng cách. Và bằng chứng đó chính là sự hiện diện của tôi trong đời sống dâng hiến, khi mà tôi được mời gọi sống mật thiết với Thiên Chúa qua ba lời khuyên Phúc Âm.
Có bao nhiêu cuộc đời là có bấy nhiêu lịch sử về Lòng Thương Xót và rồi mỗi biến cố trong cuộc đời cũng là những biến cố để Thiên Chúa thể hiện Lòng Thương xót. Với hành trình theo Chúa chưa phải là dài đối với đời người của tôi nhưng cũng là khoảng thời gian vừa đủ để tôi nhìn lại những hồng ân, tình yêu và lòng thương xót mà Chúa đã trải dài trên cuộc đời tôi, bù lại cũng là những tháng năm tôi đáp đền Chúa bằng những lỗi phạm, biếng lười và có cả những giây phút muốn ngã lòng. Nhưng mặc cho tôi còn nhiều yếu đuối và giới hạn, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương tôi, hướng dẫn và đón nhận tôi qua quý dì hữu trách, qua chị em trong Hội Dòng mà Chúa muốn tôi bước vào.
Hành trình theo Chúa luôn là một huyền nhiệm mà lý trí của con người không tài nào giải thích được. Đã không ít lần tôi đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Tại sao Chúa lại không chọn những người này người kia sống đời thánh hiến? Họ là những người tài giỏi, đạo đức và đặc biệt họ là người có nhiều năng khiếu, tài năng cần thiết để phục vụ Chúa và các nhu cầu của Giáo Hội? Tại sao Chúa lại muốn tôi bước theo Chúa trong khi tôi còn đầy yếu đuối, giới hạn và cả những lỗi lầm?
Vậy đâu là điều kiện để Chúa chọn người này, gọi người kia? Họ là những người đạo đức, thánh thiện? Thưa “Không”. Thánh sử Gioan đã từng viết “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Hay như lời Thánh vịnh 130“Ôi lạy Chúa! Nếu như Ngài chấp tội nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). Và chính thánh vương Đa-vít đã cảm nghiệm sâu sắc thân phận mỏng giòn của con người khi thốt lên những lời thú tội: “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Tv 51,7).
Nhìn lại những người đầu tiên được Chúa chọn và mời gọi làm tông đồ, Chúa đã chọn người thu thuế như Matthêu, chọn người bách hại đạo như Phaolô. Nhóm Mười hai là những người được Chúa trực tiếp giáo dục cách riêng và được sống gần gũi với Chúa hơn ai hết. Vậy mà trong các ông vẫn có những người bán Chúa, có người chối Chúa và có cả những người tham quyền lực “thích ngồi chỗ nhất”, “thích được ngồi bên tả, bên hữu Thầy” (Mc 10,35–45). Như vậy, con người chẳng thể cậy dựa vào sự thánh thiện, đạo đức mà cho mình xứng đáng được Chúa mời gọi.
Hay Chúa sẽ chọn những con người tài giỏi, tri thức, những người có nhiều bằng cấp, có nhiều khả năng để phục vụ Chúa và Giáo Hội? Câu trả lời vẫn là “không”. Vì tài năng, tri thức hay mọi sự ta có đều là hồng ân Chúa ban nhưng không cho mỗi người mỗi cách như lời thánh Phaolô xác tín: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10) và “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Như người thợ giờ thứ 11, anh là một người bất tài vì chẳng có ai muốn thuê, nhưng Chúa vẫn mời gọi anh vào làm vườn nho cho Chúa dù đã cuối ngày là để Thiên Chúa có thể trao ban cho anh cách rộng rãi. Mà thực ra, nếu so sánh với sự khôn ngoan và thông hiểu của Thiên Chúa thì những hiểu biết và kiến thức của con người như hạt cát sánh với đại dương“Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25) và“Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,8–9). Và nếu Thiên Chúa là một nhà kinh doanh hay là một người chỉ quan tâm đến hiệu năng của công việc thì chẳng bao giờ Thiên Chúa sử dụng đến tài năng và tri thức của con người. Bởi vì, từ hư vô, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài trong đó thì Ngài cũng có thể làm mọi sự Ngài muốn mà không cần đến con người vì “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”(Mc 10,27). Mặc dù tài năng, những công việc ta làm chẳng thể giúp gì cho Chúa nhưng Ngài mời gọi con người cộng tác trong công trình tạo dựng và cứu chuộc là vì yêu thương ta và mưu cầu lợi ích cho phần rỗi của ta như lời Kinh Tiền Tụng chung IV mà ta vẫn hằng dâng lên Chúa trong Thánh lễ “Thực ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời.” Hay như những cảm nghiệm của chân phước Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sau một thời gian dài làm mục tử cho Chúa, ngài đã thốt lên những lời đầy tâm huyết “Thiên Chúa muốn chúng ta hợp tác trong việc tạo dựng cũng như trong việc cứu rỗi. Nếu Chúa làm một mình, công trình sẽ hoàn hảo hơn, nhưng con người sẽ kém ‘cao cả’.” (Đường Hy Vọng số 584). Như vậy, tài năng, tri thức hay bằng cấp cũng không phải là lí do để con người cho rằng mình xứng đáng với ơn gọi dâng hiến.
Nhưng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương mời gọi ngay khi chúng ta còn đầy giới hạn, tội lỗi và cả bất tài, chính là do lòng thương xót Chúa dành cho ta và cho dân Người. Ngài yêu thương ta ngay khi ta còn là tội nhân như lời thánh Phaolô xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8). Đồng thời Thiên Chúa cũng yêu thương dân Người để “ban cho dân Chúa sự hỗ trợ và sự đồng hành, và giúp dân Chúa chiêm ngưỡng Dung Nhan Lòng Thương Xót”[1]. Vì Thiên Chúa muốn chọn những con người đầy yếu đuối và giới hạn làm thừa tác viên cho Ngài để chính những yếu đuối và giới hạn ấy như lời mời gọi họ hãy cảm thông, đón nhận và nâng đỡ những yếu đuối nơi tha nhân, nơi những người mà họ sẽ gặp gỡ và phục vụ như chính Chúa đã yêu thương và đón nhận họ “anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15,8). Đây cũng là lời cầu nguyện mà Giáo Hội đang dâng lên Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu dành cho thánh Phêrô xưa: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32) như đang nhắn nhủ với mỗi người chúng ta – những người đang bước đi trên con đường xưa Chúa Giêsu đã đi – để tiếp tục yêu thương, nâng đỡ những yếu đuối giới hạn của anh em và để tiếp tục trao ban lòng thương xót của Chúa đến với hết thảy mọi người, đặc biệt là những người đau khổ, bất hạnh, những người bị xã hội loại bỏ.
Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc vì các thánh sử Tin Mừng đã nói đến điều kiện để theo Đức Kitô “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9,23). Vâng, đây được coi là một điều kiện để bước theo Chúa Giêsu nhưng điều kiện này chỉ như một hành động để đáp trả khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa như lời dạy trong sách Gương Chúa Giêsu “Giả như ta có chết vì mến Chúa, đó cũng chỉ mới là trả phần nhỏ nợ công bình và bác ái cho Chúa”[2]. Hay đúng hơn chính điều kiện này lại thể hiện một lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa khi Người đã chia sẻ thân phận con người với ta và lại khao khát muốn cho ta được hưởng hạnh phúc vinh quang với Chúa “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11–12) là hạnh phúc vĩnh cửu, đích thực mà con người được mời gọi hướng tới.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con được “chọn phần tốt nhất” khi mời gọi con theo sát Ngài trong đời sống thánh hiến. Con biết rằng mình chẳng có gì xứng đáng để lãnh nhận những hồng ân cao cả này của Chúa. Nhưng vì Chúa đã thương yêu con và đã mời gọi con bước theo Ngài thì cũng xin cho con biết đáp trả tình yêu Chúa bằng những hành động cụ thể: là cộng tác với quý dì hữu trách và các đòi hỏi của Hội Dòng để huấn luyện bản thân, là yêu thương và đón nhận những người mà con sẽ gặp gỡ như Chúa đã yêu thương và đón nhận con.