Ngày “Cá tháng Tư” của thế giới đã từ lâu thuộc về văn hóa chung của nhân loại, trước nhất ở khu vực Âu châu - Bắc Mỹ, khởi nguồn từ thế kỷ XIV. Văn hóa, khi đùa vui, nói dối, tin vịt… với mục đích thuần túy giải trí, từ tập tục dân gian đi vào đời sống ngay cả ở các trang báo lớn, các hãng tin quốc tế cũng hưởng ứng bằng bảng tin vịt vào đúng ngày 1.4 hằng năm. Văn hóa, khi ngày nay không chỉ Bắc Mỹ hay Âu châu, Á châu và mọi nơi, đại chúng đều biết đến ngày “Cá tháng Tư” là gì. Khi vui đùa, tung hứng thành một thứ nghệ thuật, nói dối thăng hoa thành văn hóa thực sự là hiện tượng độc đáo của đời sống tinh thần con người.
Xứ mình cũng chia sẻ niềm vui chung của nhân loại, từ xa xưa đã hình thành lối nói Trạng, nói dối thuần túy chọc cười tạo niềm vui, đã để lại hẳn một kho tàng dân gian phong phú về cái sự nói dóc thành nếp văn hóa - không khác với phong cách “Cá tháng tư” bên trời Âu Mỹ.
Ở cực Nam, vùng Đầm Dơi - Cà Mau phù sa, từ đầu thế kỷ XX xuất hiện hiện tượng từ một cá nhân, Bác Ba Phi - ông Nguyễn Long Phi (1884-1964) - chuyên nói dóc cách văn chương bay bướm, tương tự nói Trạng ngoài Bắc Bộ, phản ảnh đời sống vùng bán đảo phù sa một thời hoang dại kỳ bí qua những câu chuyện thêu dệt bởi trí tưởng tượng cao độ, thành ra như chuyện về một xứ sở xa lạ nào đó thoát khỏi lẽ thường tình, tạo nên sức hấp dẫn giải trí cho đồng bào nơi khỉ ho cò gáy thiếu vắng nhiều sự đáp ứng nhu cầu giải trí. “Truyện Bác Ba Phi” ngay khi tác giả thực đã mất vào những năm 1960 của thế kỷ XX, vẫn tồn tại qua những dị bản, sự nối dài trong dân gian với những sáng tác mới hay làm mới nguyên tác của Bác Ba Phi, đã được thành văn xuất bản qua các ẩn phẩm chính thức. Vùng bán đảo Cà Mau được biết đến qua cây Tràm, cây Đước, một thời khai phá mở cõi gian nan, muỗi mòng, khắc nghiệt của thời tiết và thêm cả các các câu truyện nói dối bay bướm của Bác Ba Phi. “Bác Ba Phi” bây giờ trong ngôn ngữ dân gian vùng, không chỉ là tên người, đã là một dạng thành ngữ.
Bác Ba Phi và sự nối dài phong cách nói dối theo lối của ông là sự hòa hợp hội nhập theo lối vùng bán đảo Cà Mau, miền Tây Nam Bộ Việt Nam vào “văn hóa Cá tháng Tư” của nhân loại qua tiếng Việt, chữ Việt, phong cách Việt, như con rạch nhỏ chảy vào hòa cùng cái chung rộng lớn: thăng hoa sự nói dối chọc cười tạo niềm vui thành văn hóa.
Ngày 1.4 sắp đến, hậu duệ Bác Ba Phi tận cuối phương Nam có thể tìm thấy dấu vết vùng đất Tràm, Đước, muỗi mòng… có một nét chung góp vào kho tàng “Cá tháng Tư” của nhân loại, theo một cách riêng độc đáo.
CÔNG NGUYÊN
Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn