25/01/2016 -

Văn hóa nghệ thuật

845
Kỳ nghỉ với Chúa

Vacation with God

(Kỳ Nghỉ với Chúa)

Đó là cụm từ quen thuộc mà các sơ Philippine hay dùng khi nói về kỳ tĩnh tâm. Em cũng không hề nghĩ rằng năm nay em sẽ tĩnh tâm ở nước ngoài. Khi còn ở Việt Nam, trong giờ kinh chung với cộng đoàn, em cũng có lúc nghĩ nếu Chúa muốn một ngày nào đó em sẽ có dịp nguyện kinh bằng Tiếng Anh với các sơ ngoại quốc. Suy nghĩ đơn sơ ngày nào đã thành hiện thực. Bây giờ em đang ngồi trong giảng phòng để nghe cha chia sẻ. Hôm nay là ngày đầu tiên của kỳ tĩnh tâm một tuần. Tạ ơn Chúa cho em có dịp để nhìn lại quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thú thật trải qua những năm đời tu, hạnh phúc có, niềm vui có và có cả những giọt nước mắt thầm kín, em vẫn cảm nhận được tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa đổ tràn trên cuộc đời mình. Vì thế, em thấy hạnh phúc và bình an trong đời dâng hiến. Cuộc sống tựa như bông hồng có gai, em sẽ không thể hái được nó nếu không sẵn sàng chịu đau đớn vì gai nhọn.

Trong khi chờ cha giảng phòng tới, em thầm cầu nguyện với Chúa, mong sao cha sẽ nói Tiếng Anh để em có thể hiểu và tìm ra Thánh ý. Chủ đề của ngày đầu tiên là “Vocation” (Ơn gọi) xem ra có vẻ “secondhand” cũ kỹ, nhưng nó lại là nền tảng của đời sống Ki-tô hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng. Chúa gọi chúng ta từ những con người rất đỗi bình thường “ordinary” và có khi là tầm thường vì chúng ta là những con người yếu đuối, mang thân phận tội lỗi khi mẹ mới hoài thai, nhờ được Chúa chọn gọi và làm cho trở nên phi thường “extraordinary” vì có Chúa ở cùng cách đặc biệt. Nhiều khi chúng ta nhìn ra xung quanh và tự hỏi: Tại sao Chúa gọi tôi mà không chọn chị tôi hay bạn tôi, mặc dù họ đẹp và giỏi giang, khéo léo hơn tôi? Đó là mầu nhiệm và hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đón nhận với tâm tình biết ơn và cảm mến.

Ngày đầu tiên em chỉ lĩnh hội được như thế vì cha thích chia sẻ bằng tiếng bản xứ nên em cũng chỉ “vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời”.

………………………………………………….

Sang ngày thứ hai, cha giảng phòng chia sẻ về chủ đề “Happiness” (Hạnh phúc). Cha hỏi cả lớp “Are you happy?” (Bạn có hạnh phúc không?) và một sơ mạnh dạn trả lời “sometimes” (thỉnh thoảng, khi có khi không). Khi được hỏi, em suy nghĩ giây lát rồi đáp “most of the time” (hầu hết, phần nhiều), còn một sơ khác thì trả lời “always” (luôn luôn). Em cũng không ngạc nhiên khi nghe câu trả lời như thế. Vì có thể từ phía người đặt câu hỏi và cả những người nghe đều có cách hiểu và câu trả lời của riêng mình. Nhưng nghịch lý của vấn đề là làm gì để em cảm thấy hạnh phúc ngay lúc này, khi mà cha chia sẻ 30% bằng Tiếng Anh, còn 70% bằng Tiếng Tagalog và nhiều sơ cũng chỉ nói tiếng bản xứ. Chà! Tình hình rất là tình hình…Tình huống thật là gây khó cho em để câu trả lời (lý thuyết) đi đôi với thực hành (tâm trạng hiện tại). Biết sao bây giờ, ý kiến thì cũng đã nêu trong lúc giới thiệu hôm đầu tiên rồi. Em chỉ còn biết mỉm cười tín thác vào Chúa thôi. Xin Chúa bù lại cho cách khác và tiếp tục vui với giây phút hiện tại. Cuộc đời nó có những nghịch lý như vậy mới là cuộc đời (That’s a life). Nhất là khi cha nói chúng ta phải là những người hạnh phúc và xây dựng hạnh phúc, em chẳng biết cha có nhận ra lúc ngài nói tiếng bản xứ ba chị em cứ tròn mắt nhìn vì chẳng hiểu gì cả. Tuy vậy, em vẫn tin Chúa thấy hết mọi sự và có cách riêng dành cho em. Dù sao, tuần tĩnh tâm cũng là dịp tốt để em nhìn lại xem mình có sống hạnh phúc và có mang lại bình an, niềm vui cho những người xung quanh không?

……………………………………………………………………

Bước sang ngày thứ ba, với chủ đề là “Grow” (Phát triển) xoay quanh nội dung “change” (thay đổi). Thay đổi là một sự tất yếu trong cuộc sống nói chung cũng như trong đời sống của người Ki-tô hữu, nhất là tu sĩ. Mọi người đều mong mình thay đổi cũng như nhìn thấy những người bên cạnh thay đổi. Nhưng sự thay đổi cần phải khởi đi từ chính bản thân trước khi muốn người khác thực hiện. Chúng ta muốn thay đổi thói quen, thái độ, phong cách…thậm chí là thay đổi cảm giác và tình cảm. Tuy nhiên, sự thay đổi quan trọng nhất phải là sự đổi mới con tim, khối óc và đỉnh cao của sự thay đổi là “nên giống Chúa” (Be like Christ). Để nên giống Đức Ki-tô, chúng ta phải thực hiện những cuộc chọn lựa. Quả thế, việc chọn lựa những khía cạnh trong cuộc sống để thay đổi không phải là dễ dàng vì khi ta chọn cái này đồng nghĩa với việc ta phải từ bỏ cái khác, mà thật khó khăn biết bao khi phải từ bỏ những cái mình yêu thích, những cái gần gũi, gắn bó, những cái thuộc về bản tính tự nhiên thì đó là một sự thách đố ghê ghớm bởi nó chạm đến những gì thâm sâu nhất của ước muốn con người.

Mặt khác, cũng cần phải lưu ý rằng chúng ta chấp nhận thay đổi một cách từ từ chứ không nhảy cóc, vì con người có những giới hạn không thể thay đổi hoàn toàn trong chốc lát, hay một sớm một chiều. Do đó, một trong những điều kiện cần thiết để thành công đó là sự kiên trì. Nếu không kiên nhẫn, chúng ta sẽ mau chán nản và bỏ cuộc  như Thánh Phao lô đã nhắc nhở các tín hữu :Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác thì nặng nề. Vì thế, chúng ta cần kiên trì, không được nóng vội.

Lại nữa, thay đổi không phải là bỏ đi tất cả những cái cũ, nhưng là tìm cho nó một giá trị trong hoàn cảnh đang sống, là sống những giây phút hiện tại thật ý nghĩa và sung mãn. Bạn là thỉnh sinh ư? Hãy sống để nên thỉnh sinh thánh thiện (holy postulant). Bạn là tập sinh ư? Hãy sống để nên “thánh nhà tập” (holy novice). Bạn là học viện ư? Hãy sống để nên thánh trong sứ vụ học hành và vận dụng kiến thức đã học (holy junior). Bạn là chị khấn trọn ư? Hãy sống khoan dung và rộng lượng như một người chị trong cộng đoàn. Tóm lại, bạn là ma xơ à, hãy sống với những gì bạn khấn hứa với một lối sống vui tươi, hồn nhiên và hạnh phúc ngay trong những hoạt động thường ngày, sẵn sàng với sứ vụ và cũng luôn sẵn sàng đón nhận những khó khăn và trái ý trong cuộc sống như hoa trái của sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của các vị đại diện trong cộng đoàn, trong Hội dòng.

…………………………………………………………….

Bước sang ngày thứ tư, khi tới cha giảng phòng chào bằng Tiếng Anh . Em thấy “mở cờ trong bụng”, mừng thầm vì nghĩ rằng chắc là những câu hỏi và thảo luận ngày hôm qua sẽ làm cha đổi ngôn ngữ, chia sẻ bằng Tiếng Anh để chúng em hiểu và không thắc mắc nữa. Thế nhưng vừa được ba câu, cha lại nói một tràng Tiếng Tagalog. Em chẳng biết nên cười và tham gia bầu khí của lớp học như thế nào. Thôi thì cứ “cười phụ họa” vậy. Chủ đề hôm nay cha nói về Bức thư của Đức Thánh Cha Fancisco gửi cho các tu sĩ mà các chị đã có dịp tìm hiểu năm ngoái trong ngày lễ Truyền thống của Hội dòng.

Thứ nhất, nhìn về quá khứ với tâm tình tri ân. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta hay có xu hướng muốn quên đi quá khứ, nhất là một quá khứ đau buồn. Tuy vậy, Đức Thánh Cha khuyên các tu sĩ nhìn lại những sự kiện trong quá khứ để tạ ơn Chúa về những điều tốt lành và cả những bài học quí giá mà chúng ta rút ra được từ những chuyện chẳng lành.

Thứ hai là sống hiện tại với niềm đam mê  (passion) và tràn đầy nhiệt huyết không chỉ trong lời nói mà ngay trong cách sống, hoạt động của mình.

Thứ ba là hướng tới tương lai với niềm hy vọng. Khi khấn hứa, chúng ta không chỉ trao hiến hiện tại mà cả tương lai cho Chúa, cho Hội dòng. Trong niềm tín thác và hy vọng với ân sủng của Chúa chúng ta sẽ sống viên mãn ơn gọi của mình để từ đó đánh thức thế giới. Đừng nghĩ rằng chúng ta phải đi đến một nơi nào đó xa xôi để đánh thức mọi người, nhưng thức tỉnh chính môi trường chúng ta đang hiện diện bằng cách làm cho người khác vui. Xung quanh chúng ta không thiếu những khuôn mặt buồn vì hoàn cảnh gia đình, vì bệnh tật, vì những khiếm khuyết và khuyết điểm. Hãy kín múc niềm vui từ Bàn Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, hãy trở thành khí cụ của sự bình an, hòa giải. Hãy khuyến khích nhau sống và chia sẻ niềm vui Tin mừng .

Tắt một lời, hãy “Laugh” (cười) với chính mình, với mọi người và với thế giới. “Laugh” được phân tích:

L - Listening: Lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau

A - Appreciate: Đánh giá cao người khác

U - Understand: Hiểu nhau

G - Give: Trao tặng, cho đi

H -  Hope: Hy vọng vào Chúa và tin tưởng nhau.

Ở Philippines, các Hội dòng hay tổ chức tĩnh tâm vào Giáng sinh vì đây cũng là thời gian trùng với kỳ nghỉ của cả nước chẳng hạn như trường học, công sở… và chương trình cho tuần tĩnh tâm cũng rất nhẹ nhàng. Mỗi buổi sáng chúng em có một giờ nghe cha chia sẻ, rồi nhóm tiếp tục chia sẻ một giờ về đề tài của ngày hôm đó và sau đó là Thánh lễ. Buổi chiều thì tự do cầu nguyện và nguyện kinh chung. Đúng là “Vacation with God”.Có điều đặc biệt là em thấy các Đoàn thể và các Trường học Công giáo cũng tổ chức cho học sinh tĩnh tâm từ một đến hai buổi. Kết thúc tuần tĩnh tâm thì các sơ hay đi chơi hoặc tắm biển. Như vậy là sau một tuần cả tinh thần lẫn thể xác đều an mạnh để sẵn sàng cho những hoạt động của một năm.

114.864864865135.135135135250