09/01/2023 -

Cầu nguyện

1018
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm A (Lm John Trần Khả)
Lễ Chúa chịu Phép Rửa
Mt 3,13-17
“Đây là Con yêu dấu của Ta: Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Truyện ngụ ngôn kể về một ông bố và cậu con trai, hai cha con dắt lừa đi trên đường. Khi đi ngang qua một khu làng, ông bố dắt lừa và cậu con trai đi theo sau con lừa. Người trong làng trông thấy hai bố con đi như thế liền bỉu môi chế diễu là ông bố to đầu mà khờ dại tại sao không cưỡi lừa mà lại đi bộ cho khổ. Để làm hài lòng thiên hạ và tránh tiếng chê cười của họ, ông liền leo lên lưng lừa ngồi. Khi đi đến làng thứ hai, người ta thấy ông ngồi trên lưng lừa còn cậu con trai phải cực nhọc dắt lừa, họ liền trách ông xử qúa tệ và ác với con, bắt đứa con dắt lừa còn bố ngồi chỗm chệ trên lưng lừa. Để làm hài lòng thiên hạ, ông liền xuống khỏi lưng lừa và để cậu con trai leo cưỡi trên lưng lừa. Đi đến làng thứ ba thì dân làng lại mắng trách cậu con trai là lười biếng và bất hiếu, trẻ tuổi khỏe mạnh mà để bố dắt lừa còn cậu thì lại ngồi chỗm chệ trên lưng lừa. Để tránh tiếng dèm pha của thiên hạ, bấy giờ cả hai bố con cùng leo ngồi trên lưng lừa để cưỡi. Đến ngôi làng thứ tư thì dân chúng tỏ ra khó chịu bực tức với hai bố con; họ thấy thương cho con lừa và cho là hai cha con qúa tàn nhẫn với nó. Cả hai người cưỡi trên lưng lừa như thế thì con lừa sẽ bị sụm lưng mà chết. Bấy giờ, để tránh bị thiên hạ trách móc miệt thị, hai bố con liền quyết định trói con lừa và khiêng nó đi. Khi khiêng lừa qua một cây cầu thì tất cả bị té xuống sông chết đuối cả người lẫn lừa.

Đây cũng là hiện trạng của nhiều người ở đời. Nhiều người sống không có lập trường và không có hướng đi. Họ bị lệ thuộc vào dư luận. Nhiều nơi dùng các dư luận viên để định hướng quần chúng. Những người không khôn ngoan và không có lập trường rõ ràng sẽ dễ bị lái bởi các dư luận viên theo định hướng cho lập trường của họ. Ngày nay với mạng lưới truyền thông mạng rất phổ biến, tin thật tin giả lẫn lộn làm chúng ta không biết đâu là sự thật. Nhiều chủ thuyết, nhiều chủ trương, nhiều nhà bình luận, nhiều văn bút, nhiều nguồn thông tin, nhiều dư luận viên, nhiều ứng cử viên. Ai cũng muốn gây ảnh hưởng. Ai cũng muốn chúng ta đồng ý với họ. Vậy chúng ta biết nghe ai, tin ai và ủng họ ai? Nước Mỹ đang rộn ràng trong mùa tranh cử. Chúng ta chọn ứng cử viên theo tiêu chuẩn nào? Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Thiên Chúa định hướng cho chúng ta là vâng nghe theo lời của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Ngài.

Phép Rửa

Chúa Giêsu muốn Gioan làm phép rửa cho Ngài; nhưng Gioan lại cảm thấy khó xử vì ông biết Chúa Giêsu cao trọng hơn ông. Phép rửa bởi Gioan là dấu chỉ ăn năn hối cải. Chúa Giêsu không có tội nên không cần phải hối cải. Dầu vậy, Chúa vẫn muốn nhận lãnh phép rửa bởi Gioan. Ngài nói, “Chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế.” Đây là lời tuyên bố quan trọng. Chúa Giêsu chịu phép rửa là để cho chúng ta hiểu có một số điều cần làm vì điều đó đúng chứ không phải là vì chúng ta có nhu cầu riêng buộc phải làm. Chúa Giêsu nhận phép rửa không phải vì Ngài cần được thanh tẩy bởi nước nhưng vì Ngài muốn biến nước trở nên phương tiện làm biểu tượng cho sức mạnh tẩy rửa chúng ta! Ngài đến với nhân loại tội lỗi trong tinh thần liên hiệp không phải vì Ngài cũng có tội như chúng ta, nhưng vì Ngài muốn nhận diện và đồng cảnh với chúng ta để nhờ đó đưa chúng ta đến ơn cứu chuộc. Ơn cứu chuộc đến từ Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy con đường đưa đến ơn cứu rỗi ấy khởi đầu từ biến cố Ngài được sinh vào trần gian và được chịu phép rửa ở sông Gio-đan. Như thánh Mac-xi-mô giám mục Tô-ri-nô giải thích: “Trong ngày lễ Giáng Sinh, Ngài được sinh ra cho nhân loại bởi Đức Trinh Nữ Maria, còn hôm nay khi nhận phép rửa, Ngài tái sinh trong bí tích. Khi Ngài sinh xuống trần thì được Đức Mẹ Maria ấp ủ trong lòng. Hôm nay Ngài sinh ra theo mầu nhiệm (phép rửa) và Chúa Cha âu yếm nói với Ngài, ‘Đây là Con yêu dấu của Ta: Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.’ Xưa kia Đức Mẹ nâng niu âu yếm Ngài khi sinh Ngài vào đời, còn hôm nay thì Chúa Cha dùng lời chứng thân thương nâng đỡ Ngài; xưa kia Đức Mẹ đưa Chúa Con cho các hiền sĩ bái thờ, còn hôm nay Chúa Cha giới thiệu Chúa Con cho nhân loại thờ kính. Do đó, Chúa Giêsu đến chịu phép rửa và muốn cho Thân Thể chí thánh của Người được thanh tẩy trong nước. Ngài chịu phép rửa không phải để được thánh hóa nhưng là để chính Người thánh hóa nước và dùng sự thanh sạch nơi Người mà thanh tẩy dòng nước đang bao bọc Người. Khi Đức Kitô tự thánh hiến trong phép rửa thì Người cũng thánh hiến nước từ trong bản chất của yếu tố thiên nhiên này. Khi Đấng Cứu Độ dìm mình trong nước, thì mọi nguồn nước cũng được thanh tẩy để dùng thanh tẩy chúng ta sau này: Giếng nước được thanh tẩy, để từ nay ơn thanh tẩy được ban phát cho hậu thế. Vậy Đức Kitô chịu phép rửa trước để dân Kitô hữu tin tưởng đi theo Người. (Kinh Sách Linh Mục: Bài đọc 2, thứ Sáu sau lễ Hiển Linh). Như xưa Mai-sen hướng dẫn dân Is-ra-en đi theo cột lửa trong sa mạc, thì bây giờ chính Chúa Giêsu là cột lửa dẫn chúng ta về nước trời.” Bởi thế phép rửa của Chúa từ sông Gio-đan và phép rửa của chúng ta ngày nay có liên hệ mật thiết và là điều kiện tối cần để một người trở nên Kitô hữu và gia nhập gia đình của Thiên Chúa. Trước khi lên trời Chúa đã truyền cho các môn đệ, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16:15-16).

Tầng Trời Mở Ra

Thánh Mat-thêu nói “tầng trời đã mở ra” lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép Rửa. Đây là dấu cho thấy việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội mới mở ra giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và loài người. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài đã mở cửa nước trời để mang tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha đến với nhân loại. Lúc này chúng ta có cơ hội đến với Chúa mà trước đây chúng ta không có. Cánh cửa ơn thánh mở ra từ việc Chúa Giêsu nhận Phép Rửa trở nên có hiệu lực ngay khi Chúa Cha lên tiếng. Thiên Chúa Cha hài lòng lên tiếng chứng nhận, thứ nhất vì Chúa Giêsu là Con của Ngài và thứ hai là Ngài nhận lãnh Phép Rửa trong sự liên hiệp đồng cảnh với nhân loại tội lỗi để giúp chúng ta biết sống đồng tình với Thiên Chúa. Thiên Chúa lên tiếng là dấu chỉ cho biết Ngài luôn tìm tình liên hệ mật thiết với con người, và Ngài đáp lại với con người ngay khi cánh cửa được mở ra. Thiên Chúa mong muốn chúng ta làm giống như Chúa Giêsu đã làm, là tin tưởng nơi Ngài và để Ngài dẫn dắt chúng ta tới bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì Ngài muốn chúng ta làm. Ngài muốn chúng ta đồng tình với Ngài. Chúng ta cần cảm nhận thấy được sự cùng khốn và nhu cầu cần Thiên Chúa và cởi mở đón nhận Ngài trong cuộc sống của mình. Để có được sự cởi mở này đòi chúng ta có tinh thần khiêm tốn nhìn nhận mình cần Thiên Chúa, và có lòng ước muốn làm theo ý của Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội chúng ta trở nên phần tử của nhiệm Thể của Chúa Kitô và thề hứa sống liên hiệp đồng tình với Thiên Chúa. Thông điệp này nhắc cho chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa không muốn gì khác hơn là chúng ta sống trong tình nghĩa mật thiết với Ngài và biết liên hiệp cứu giúp nhau. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta biết loại bỏ đi những cản trở và các rào chắn mà chúng ta tự tạo ra trong cuộc sống khiến chúng ta không có được tình liên hiệp trong tin tưởng và vững vàng đối với Thiên Chúa.

Mat-thêu cũng nói rằng Thánh Thần của Thiên Chúa đã hiện hình chim bồ câu và đáp xuống trên Chúa Giêsu vừa khi Ngài lãnh nhận phép rửa. Đây cũng là hình ảnh Thánh Thần của Chúa ngự trên nước lúc Ngài tạo dựng nên trời đất từ trong sách Sáng Thế Ký (STK 1:2). Thánh Mat-thêu móc nối hình ảnh Thánh Thần của Thiên Chúa ở đây để cho chúng ta biết rằng phép rửa của Chúa Giêsu là khởi điểm cho công trình sáng tạo mới. Phép Rửa bởi nước mang lại sự sáng tạo mới nơi mỗi người chúng ta nhờ từ phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Gio-đan. Từ đó, dòng dõi tội lỗi cũ qua đi, và chúng ta được tái sinh để trở nên con người mới sinh ra trong sạch nhờ nước và Thánh Thần. Chúng ta là dân tộc mới thuộc dòng dõi của Chúa Giêsu.

Khởi Đầu Mới

Bí tích Rửa Tội cho chúng ta một sự khởi đầu mới khi chúng ta được tái sinh bởi nước và Thánh Thần; Bí Tích Giải Tội được gọi là “Rửa lại” bởi vì bí tích này cũng cho chúng ta sự bắt đầu mới qua ơn tha thứ tội lỗi. Khi Thiên Chúa Cha phán ra từ trời, Ngài tuyên nhận Chúa Giêsu là “Con yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.” Mỗi lời phán này là một chức vị cao cả có nguồn gốc từ Cựu Ước. “Con của Ta” từ trong Thánh Vịnh 2:7; “Con Yêu Dấu” trong Sáng Thế Ký 22:2; “Đẹp lòng Ta mọi đàng” trong I-sa-i-a 42:1 và 44:2. Thiên Chúa Cha chứng nhận nguồn gốc của Chúa Giêsu bằng cách chứng tỏ những hình ảnh của các vị trong Cựu Ước đã dẫn chứng các sắc tính nổi bật trong đời sống và việc làm của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã được báo trước bởi nhiều mô hình từ các nhân vật quan trọng trong Cựu Ước. Ngày nay qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta cũng được thừa hưởng phần nào trong dòng dõi của Chúa Giêsu và được tái tạo theo mô hình của các đức tính nơi Chúa Giêsu và nơi các nhân vật này của Cựu Ước. Và vì vậy, chúng ta cũng có trách nhiệm gây ảnh hưởng trên đời sống của những người chung quanh chúng ta để đưa họ đến với Thiên Chúa. Chúng ta không để xã hội hay các dư luận viên định hướng cho tư tưởng, cách sống, chủ trương hay lập trường sống của chúng ta. Nhưng chúng ta nghe và làm theo lời chỉ dạy của Thiên Chúa:

“Đây là Con yêu dấu của Ta: Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Lm. J. Trần Đình Khả

 
114.864864865135.135135135250