09/09/2020 -

Học Viện

1152
Tiếng lòng trong cõi nhân sinh

Trong tình thế của dịch bệnh Covid chưa suy giảm, vẫn còn những tiếng nhộn nhịp, vồn vã, hối hả của cuộc sống, đan xen vào đó còn có những tiếng lòng vang lên trong nẻo nhân sinh khiến chúng ta không thể không dừng chân để lắng nghe và thấu cảm.

Nào đâu tiếng lòng thao thức người mẹ không có cơ hội biết đến những con chữ, con số; còn thêm tay chân yếu ớt nhưng không cản ngăn việc khát mong được đi lễ mỗi ngày, nhất là được rước Mình Thánh Chúa. Bà mẹ cao niên xem ra không cao về tri thức đó nhưng lại thật cao về đạo đức khi ê a trong những chuỗi kinh Mân Côi và cả những cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, dù cho trong thực tế bà không được rước lễ thường xuyên như vậy.

Bên cạnh đó là tiếng lòng khôn nguôi của người mẹ đơn thân ngong ngóng tin con ở phương xa, đặc biệt trong thời khắc nhạy cảm của dịch bệnh hiện nay. Cho dẫu người con đó không do huyết nhục của bà sinh ra, cho dẫu người con đó ba lần bốn lượt ép bà bán nhà để anh được định cư nước ngoài, cho dẫu người con đó chỉ nói vội vài câu trong vài lần qua điện thoại, nhưng mẹ ở đây trong phòng trọ một mình và vẫn chỉ đợi biết con có bình an ra sao và mạnh khỏe thế nào.

Cũng còn đó tiếng lòng khắc khoải của người mẹ với những năm tháng tai biến mong cho con cái mình sớm được gỡ rối trong hôn nhân. Trong vai trò của người bà, bà cũng một niềm đau đáu cho cháu mình cũng sớm được gia nhập vào cộng đoàn đức tin của Giáo Hội,  trước cánh cửa mở ra của cha xứ và với thật nhiều lần nhắc giục cha mẹ của bé.

Không chỉ thế có tiếng lòng bừng sáng của người thầy giáo già. Sau gần tám mươi năm làm người với những chức vị, những thành công, những bôn ba và cả những bệnh tật, thầy đã khát mong và chọn lựa làm con Chúa hơn hai năm nay. Bước tiến cho quyết định này là nỗ lực từ những con tim quảng đại và những đôi tay rộng mở do những con chiên nhỏ bé khác của Chúa đã tận tình chăm sóc về cả vật chất lẫn tinh thần cho thầy giáo, nhất là khi thầy đã tuổi đà xế bóng cùng với những đau yếu trong người.  Trong sự nâng đỡ đó, thầy giáo như được chạm đến vị Thiên Chúa tình yêu chứ không còn dừng trên sách vở mà thầy có dịp tìm hiểu.
Những tiếng lòng đó cùng bao tiếng lòng khác nữa đượm chứa tình yêu của ông bà cha mẹ không dành riêng cho mình nhưng tất cả dành cho con cháu từ vật chất, tinh thần lẫn tâm linh. Bao tiếng lòng đó thật đáng trân quý và rung lên trong tâm hồn của những người con Chúa, nhất là những người sống đời thánh hiến cất lời tạ ơn Chúa về điều ân thiêng mà cũng thật gần gũi, bình dị này. Đồng thời, những tâm tư đó còn thôi thúc chúng ta nỗ lực không ngừng cho nhịp tâm giao yêu thương của Chúa được nuôi dưỡng và rộng mở hơn nữa trong mọi biên cương. Nhờ đó, các “Annawim”- những người nghèo của Thiên Chúa nhận ra bên kia những ngổn ngang của cuộc sống là nguồn hy vọng và nguồn trợ lực của một vì Thiên Chúa với tình yêu viên mãn hằng luôn chăm lo, săn sóc con cái Ngài.

Sr. Hồng Anh & Phùng Thúy

 
114.864864865135.135135135250